THỦ TỤC ĐẦU TƯ > QUY ĐỊNH CHUNG

Một số quy định chung

1. Các hình thức đầu tư

1.1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

- Phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường.

- Phải có dự án đầu tư, thực hiện, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế.

1.2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

- Các hình thức góp vốn vào tổ chức kinh tế:

+ Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần.

+ Góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh.

+ Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc 02 trường hợp trên.

- Các hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế

+ Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông.

+ Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty TNHH để trở thành thành viên công ty TNHH.

+ Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh.

1.3. Thực hiện dự án đầu tư

- Đối với dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.

- Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư.

1.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

- Các bên tham gia hợp đồng thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng.

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

1.5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

2. Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư

- Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

- Chấp thuận nhà đầu tư.

Trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư thì thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện trước khi tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá 02 lần không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan

3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

  • Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ngoài Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng.
  • Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong Khu công nghiệp hoặc Khu công nghệ cao: Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

4. Thời hạn hoạt động của Dự án đầu tư

- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.

- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.

- Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.

- Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định như trên, trừ các dự án đầu tư sau đây:

+ Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;

+ Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.

5. Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư

- Hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, các văn bản, báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền được làm bằng tiếng Việt.

- Trường hợp hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì nhà đầu tư phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo tài liệu bằng tiếng nước ngoài.

- Trường hợp giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư được làm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì bản tiếng Việt được sử dụng để thực hiện thủ tục đầu tư.

- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trong trường hợp có sự khác nhau giữa nội dung bản dịch hoặc bản sao với bản chính và trong trường hợp có sự khác nhau giữa bản tiếng Việt với bản tiếng nước ngoài.

6. Thực hiện thủ tục đầu tư trên Hệ thống thống thông tin quốc gia

- Trước khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy CNĐKĐT, nhà đầu tư kê khai thực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

- Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được lựa chọn nộp hồ sơ cấp, điều chỉnh Giấy CNĐKĐT bằng bản giấy hoặc trực tuyến hệ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo một trong hai hình thức: sử dụng chữ kỹ số hoặc không sử dụng chữ ký số.

7. Thực hiện dự án đầu tư

- Nguyên tắc thực hiện:

+ Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án.

+ Đối với dự án đầu tư thuộc diện Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.

- Đảm bảo thực hiện dự án đầu tư

+ Nhà đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải ký quỹ hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ ký quỹ, trừ các trường hợp sau:

  • Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
  • Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

+ Nghĩa vụ đảm bảo thực hiện dự án của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư.

+ Mức đảm bảo: được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án theo nguyên tắc luỹ tiến từng phần, cụ thể:

  • Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức đảm bảo là 03%.
  • Đối với phần vốn trên 300 tỷ đến 1.000 tỷ, mức đảm bảo là 02%.
  • Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ, mức đảm bảo là 01%.

Vốn đầu tư để làm căn cứ tính mức đảm thực hiện dự án đầu tư không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho nhà nước và chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nghĩa vụ bàn giao cho nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có)

8. Chế độ báo cáo

- Thời hạn báo cáo: hằng quý, hằng năm.

- Hình thức báo cáo: bằng văn bản và thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

- Nội dung báo cáo: tình hình thực hiện dự án đầu tư, gồm các nội dung sau: vốn đầu tư thực hiện, kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xử lý và bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động.

- Các biểu mẫu:

+ Báo cáo quý về tình hình thực hiện dự án đầu tư (mẫu A.III.1 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT).

+ Báo cáo năm về tình hình thực hiện dự án đầu tư (mẫu A.III.2 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT).

Tham khảo các mẫu văn bản, mẫu báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT tại đây.

9. Danh mục các ngành, nghề đầu tư có điều kiện, cấm đầu tư, ưu đãi đầu tư...

- Danh mục ngành nghề cấm đầu tư (Chi tiết).

- Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Chi tiết).

- Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (Chi tiết).

- Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư (Chi tiết).

- Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Chi tiết).