THÔNG TIN ĐẦU TƯ > THÔNG TIN QUY HOẠCH

Định hướng phát triển các hoạt động  kinh tế - xã hội

Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”, là đầu mối liên kết giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.

a) Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Hai hành lang kinh tế gồm:

- Hành lang đường Vành đai 3 - 4: Bám dọc theo các trục đường Vành đai 3 và Vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh;

- Hành lang phát triển phía Nam: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (trục quốc lộ 50B).

c) Ba vùng kinh tế - xã hội gồm:

- Vùng đô thị và công nghiệp: Bao gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, thành phố Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành. Tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc và Cần Đước; phát triển nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao ở huyện Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An.

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu: Bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa. Phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh. Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.

- Vùng đệm sinh thái: Bao gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.    

d) Sáu trục động lực kinh tế gồm:

- Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4: Kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ - Thành phố Hồ Chí Minh; kết nối sân bay Quốc tế Long Thành - Cảng Long An.

- Trục động lực quốc lộ 50B: Kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang.

- Trục động lực song hành quốc lộ 62: Kết nối thành phố Tân An - khu kinh tế cửa khẩu Long An - vùng Đồng Tháp Mười.

- Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh: Kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây - vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trục động lực quốc lộ N1: Kết nối Long An với vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng Đông Nam Bộ - vùng Tây Nguyên.

- Trục động lực Đức Hòa: Kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hòa, Bến Lức với Thành phố Hồ Chí Minh.

đ) Các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, hạn chế phát triển

- Các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, hạn chế phát triển bao gồm công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa cần bảo tồn, tôn tạo, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, khu bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười; khu vực chịu rủi ro thiên tai như ven sông, khu vực dễ bị sạt lở, hồ chứa nước.

- Duy trì hiện trạng công trình hoặc tu bổ, cải tạo, xây dựng mới phải phù hợp với hiện trạng kiến trúc của khu vực; kiểm soát hoạt động xây dựng, loại hình công trình xây dựng, cấp công trình xây dựng, kiến trúc công trình xây dựng phù hợp với cảnh quan và đặc trưng văn hóa cần được bảo tồn.

- Hạn chế tối đa các hoạt động có nguy cơ gây sạt lở; hạn chế cấp phép khai thác vật liệu xây dựng, không xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung. Kiểm soát mật độ xây dựng, loại công trình xây dựng, cấp công trình xây dựng; chú trọng sử dụng các phương pháp chống sạt lở đất. Khuyến khích trồng rừng, cây xanh và các biện pháp bảo vệ đất và bảo vệ lớp phủ thực vật khác.